Dù bạn có ý định mở quán nhậu bình dân, vỉa hè hay kinh doanh quán nhậu sang trọng quy mô lớn kiểu nhà hàng thì bạn cũng cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu, nghiên cứu thật kĩ càng bởi vì kinh doanh không hề đơn giản.
Kinh nghiệm mở quán nhậu bình dân cần bao nhiêu tiền? Luôn là câu hỏi của nhiều người có ý định kinh doanh mô hình ẩm thực này. Hiện nay, rất nhiều người lựa chọn mô hình kinh doanh quán nhậu vì “một đồng vốn bốn đồng lời”. Tuy nhiên, mở quán nhậu cũng cần một số vốn nhất định. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin tham khảo về kinh nghiệm mở quán nhậu gồm những gì và cần chuẩn bị như thế nào.
Nội dung chính:
3 điều cần lưu ý khi kinh doanh quán nhậu bình dân
Kinh doanh không phải là trò chơi, mà phải thật sự có đam mê và nhiệt huyết. Do đó, nếu bạn mở quán nhậu theo trào lưu, hoặc là người không thích nhậu nhẹt hay các buổi tiệc có bia, rượu thì nên cân nhắc lại về ý tưởng và mô hình kinh doanh quán nhậu. Một quán ăn nhẹ hay café có lẽ sẽ thích hợp hơn với bạn.
Bí quyết thành công của việc kinh doanh quán nhậu là phải xây dựng thực đơn độc, lạ, đa dạng và ngon miệng. Chất lượng món ăn sẽ là yếu tố đầu tiên níu chân thực khách quay trở lại quán của bạn nhiều lần nữa.
Quán nhậu bình dân nên có thực đơn nhiều món đa dạng và hấp dẫn (Ảnh: Internet)
Một điều quan trọng không kém là địa điểm. Quán nhậu nên nằm tại đường lớn, có mặt bằng rộng rãi và thoáng mát, có chỗ để xe cho khách.
Nếu ở Sài Gòn, quán nhậu nằm bên sông hoặc bờ kè thường được người dân yêu thích. Chú ý thuê nhân viên trông xe cho khách để tránh trường hợp mất trộm.
Mở quán nhậu cần chuẩn bị gì? Hướng dẫn cách mở quán nhậu bình dân
Mở quán nhậu sẽ cần một khoản vốn nhất định (Ảnh: Internet)
Tiền vốn
Vấn đề đầu tiên dĩ nhiên sẽ là vốn. Bạn cần chuẩn bị một khoản tiền nhất định cũng như chi phí dự trù cho vài tháng đầu tiên kinh doanh chưa thuận lợi. Để mở quán nhậu quy mô nhỏ, bạn cần chuẩn bị ít nhất 50 – 70 triệu đồng để chi cho các khoản sau:
– Tiền thuê mặt bằng,
– Chi phí xây dựng, sửa chữa và thiết kế,
– Chi phí mua bàn ghế, nội thất,
– Chi phí mua các thiết bị, công cụ bếp, chén dĩa, tủ lạnh,
– Tiền lương trả nhân viên phục vụ, thu ngân, trông xe, đầu bếp
Chi phí mở quán nhậu bình dân vào khoảng 50 – 70 triệu đồng (Ảnh: Internet)
Chi phí thuê mặt bằng mở quán nhậu
Mặt bằng là phần tốn kém nhất khi kinh doanh, vì vậy bạn cần cân nhắc lựa chọn mặt bằng quán nhậu phù hợp. Địa điểm của quán cũng tùy thuộc vào đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến (người lao động, dân văn phòng hay người có thu nhập cao…). Bên cạnh đó, tránh tình trạng quán “không một bóng người”, quán nhậu nên nằm ở đường lớn, đông người qua lại, mặt tiền rộng rãi, có chỗ để xe cho khách.
Theo kinh nghiệm chia sẻ từ các chủ quán nhậu lâu năm, bạn nên chọn những khu đất trống hoặc đang nằm trong một dự án xây dựng để thuê, vì chỉ cần tiền hành gia công nền và gắn mái che di động là có ngay mặt bằng để kinh doanh chỉ sau vài ngày. Đồng thời, một quán ăn có không gian sạch sẽ và thoáng mát sẽ khiến khách hàng thoải mái, muốn ngồi lại lâu hơn.
Tại TP.HCM, theo tham khảo, giá một mặt bằng rộng khoảng 40m2 có giá dao động trong khoảng từ 7 – 35 triệu đồng/tháng và phải cọc trước 1 – 2 tháng tùy vào chủ cho thuê, chưa tính chi phí sửa sang, thiết kế và trang trí quán tốn khoảng 50 – 150 triệu đồng, tổng cộng chi phí mở quán nhậu bình dân rơi vào khoảng 70 – 200 triệu đồng tùy vào quy mô, địa điểm, trang trí.
Mua vật dụng, đầu tư nội thất cho quán
Để tiết kiệm chi phí, bạn không cần thiết phải đầu tư mới nội thất 100%, mà có thể mua lại từ hàng trăm quán nhậu phải đóng cửa mỗi ngày vì kinh doanh lỗ vốn. Chỉ cần vật dụng còn tốt, không quá cũ thì hoàn toàn có thể sử dụng được. Việc thu mua lại vật dụng còn mới từ các quán đóng cửa sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí, đặc biệt đối với người chỉ có vốn đầu tư ít. Chỉ nên đầu tư mới khi không thể tìm được vật dụng cần mua trên thị trường.
Tận dụng nội thất tử các quán đã đóng cửa là một cách tiết kiệm chi phí hiệu quả. (Ảnh: Internet)
Các loại vật dụng mà bạn có thể tận dụng từ các quán đóng cửa gồm dụng cụ bếp, bàn ghế, tủ kệ… Riêng với chén dĩa, muỗng bát, ly cốc thì tìm mua tận xưởng là lựa chọn tốt nhất vì giá mua sẽ được ưu đãi nhiều so với mua trên thị trường. Tổng chi phí mua sắm vật dụng quán nhậu sẽ tốn khoảng 12 – 50 triệu đồng.
Thuê nhân viên mở quán nhậu cần bao nhiêu tiền?
Tất cả nhân viên phải được đào tạo từ người phục vụ cho tới nhân viên giữ xe trước ngày khai trương nhằm để lại ấn tượng tốt trong lòng khách hàng ngay từ lần đầu tiên. Thái độ phục vụ nhanh nhẹn, niềm nở, thân thiện là yếu tố giữ khách hàng đầu khi kinh doanh quán ăn.
Đầu bếp chính là linh hồn của quán nhậu, thành bại đều nằm trong bàn tay khéo léo của người đứng bếp. Thường chủ quán là người chịu trách nhiệm nấu ăn, nhưng nếu bạn cảm thấy chưa tự tin với kỹ năng của mình, hãy mạnh dạn thuê một đầu bếp giỏi vì chất lượng món ăn chính là một trong những lý do khiến thực khách luôn nhớ đến quán nhậu của bạn.
Mỗi nhân viên phục vụ thường có mức lương từ 3.5 đến 4 triệu đồng chưa tính phụ cấp & thưởng. Đầu bếp thì được trả từ 6 đến 15 triệu tùy vào khả năng chuyên môn và kinh nghiệm đứng bếp.
Chi phí thuê nhân viên, đầu bếp cho quán sẽ tốn khoảng 20 triệu/tháng (Ảnh: Internet)
Chi phí nhập nguyên vật liệu đầu kỳ
Phần chi phí này sẽ được chia làm hai phần: nguyên vật liệu chế biến món ăn và thức uống (bia, nước ngọt, nước đóng chai). Theo các nhà kinh doanh, các đại lý bia và chợ đầu mối là địa điểm cung cấp nước uống và thực phẩm giá sỉ.
Tuy nhiên, để có được mức giá hợp lý nhất, chủ quán nên tham khảo giá từ nhiều đại lý và chợ đầu mối khác nhau, sau đó gắn bó dài lâu với một nhà cung cấp là cách tốt nhất để hưởng mức giá nhập liệu ưu đãi.
Vấn đề pháp lý
Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình kinh doanh. Bạn cần nhanh chóng đến các cơ quan hành chính địa phương để xin giấy phép kinh doanh, hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Nếu quán nhậu bình dân thì chủ sẽ đóng thuế theo hình thức hộ kinh doanh cá thể. Nếu mở quán có quy mô lớn, nhiều nhân viên thì sẽ phải thực hiện đóng thuế theo hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hay công ty TMCP tùy vào lựa chọn của bạn.
Chiến dịch quảng cáo, tiếp thị
Người Việt khi mở quán kinh doanh thường xem ngày tốt để khai trương. Trước ngày khai trương khoảng 1 tuần, bạn cần chuẩn bị hoa tươi, băng rôn, lẵng hoa… để đặt trước cửa quán.
Áp dụng các hình thức khai trương khuyến mãi giảm giá, mua 2 tặng 1, tặng thêm đồ uống… có thể thu hút khách đến với quán của bạn. Bạn cũng có thể tận dụng tờ rơi hay mạng xã hội để chia sẻ thông tin về quán của mình, để quán dễ dàng tiếp cận được nhiều khách hàng có nhu cầu.
Các chi phí khác
Ngoài các khoảng chi nêu trên, chi phí khi đăng ký kinh doanh và thực hiện các thủ tục, giấy tờ hành chính hay xin cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là điều các chủ quán nhậu cần lưu ý.
Ngoài ra, bạn cần đầu tư vào việc tiếp thị, quảng cáo quán nhậu trong vài tháng đầu mở bán để thu hút khách hàng, ví dụ treo băng rôn khuyến mãi, phát tờ rơi, quảng cáo trên mạng xã hội, quà tặng cho khách, … Các loại phí nêu trên có thể tốn từ 15-50 triệu khi mở quán, 2-10 triệu cho mỗi tháng kinh doanh.
Các thủ tục xin mở quán nhậu
Cần chú ý hoàn tất các thủ tục pháp lý khi kinh doanh quán nhậu bình dân (Ảnh: Internet)
Theo quy định, các hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan đến ẩm thực, thực phẩm cần phải có giấy phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, trước khi mở quán, bạn cần hoàn đảm bảo hoàn tất các giấy phép và thủ tục pháp lý cần thiết cho việc kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Quyết định số 43/2005/QĐ-BYT do Bộ Y Tế ban hành ngày 20/12/2005, tất cả các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh doanh và sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với ngành nghề mình đăng ký kinh doanh.
Đăng ký thẻ xanh cho người lao động
Ngày 12/03/2007, Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT, theo đó quy định tất cả những cá nhân, tổ chức sử dụng người lao động hoặc là chủ của người lao động trực tiếp tham gia kinh doanh, sản xuất thực phẩm độc lập (là những đối tượng trực tiếp tiếp xúc hoặc tham gia quá trình chế biến thực phẩm đóng gói sẵn hoặc kinh doanh thực phẩm ăn) phải có thẻ xanh chứng nhận đầy đủ điều kiện sức khỏe.
Xin chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một giấy tờ cần thiết khi kinh doanh quán ăn (Ảnh: Internet)
Hiện nay, các nhà hàng và quán ăn đều dán bản sao giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi dễ nhìn thấy nhất trong quán. Điều này có lợi cho quán của bạn trong trường hợp các cơ quan pháp lý đến kiểm tra, hoặc cũng là một cách để khách hàng cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi dùng món tại quán của bạn.
Theo nội dung quy định trong Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành và Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Bộ Y tế ban hành nhằm hướng dẫn người dân thực hiện luật An toàn thực phẩm, theo đó, tất cả các cá nhân, tổ chức, đơn vị sản xuất và kinh doanh lĩnh vực thực phẩm đều phải có giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm mới được tham gia kinh doanh.
Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm có hiệu lực trong vòng 3 năm tính từ ngày doanh nghiệp chính thức hoạt động. Nếu cơ sở, doanh nghiệp nào cố tình không thực hiện đúng quy định có thể bị xử phạt hành chính về vi phạm an toàn thực phẩm của Chính phủ. Trong đó, mức phạt cảnh cáo là đóng cửa, còn mức phạt hành chính có thể lên đến mức 200 triệu đồng.
Trên đây là những kinh nghiệm mở quán nhậu bình dân hiệu quả. Như vậy, tùy theo mô hình kinh doanh quán nhậu bình dân mà tiền vốn sẽ dao động từ khoảng 70 đến 300 triệu. Đây là đáp án cho câu hỏi mở quán nhậu cần bao nhiêu tiền. Biết được số vốn cần chuẩn bị cho việc kinh doanh quán nhậu sẽ là nền tảng giúp bạn có sự chuẩn bị về tài chính tốt nhất trước khi bước vào con đường kinh doanh đầy thách thức.
Ngoài ra, tham gia ngay những khóa dạy nấu ăn mở quán nhậu từ những trung tâm đào tạo nấu ăn chất lượng cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của một quán ăn vừa ngon vừa an toàn.