Nếu đã thưởng thức nhiều lần nhưng vẫn chưa biết cách làm trà sữa trân châu như thế nào cho chuẩn vị, ngon như ngoài quán. Hãy tham khảo công thức dưới đây, bạn sẽ có ngay một thức uống giải khát thơm ngon, bổ dưỡng mà không phải lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trà sữa trân châu là thức uống chưa bao giờ hạ nhiệt. Ảnh: Internet
Trà sữa trân châu với hương vị thơm mát, ngọt ngào không chỉ hoàn hảo trong hương vị mà còn bổ dưỡng cho cơ thể. Nhiều người đã tìm kiếm cách làm trà sữa trân châu tại nhà để có thể thưởng thức bất cứ lúc nào. Nếu là tín đồ của thức uống này, cùng tìm hiểu trà sữa là gì và cách làm trà sữa như thế nào từ Disney Cooking nhé!
Nội dung chính:
Trà sữa là gì?
Trà sữa là thức uống có nguồn gốc từ Đài Loan, được pha chế từ hai nguyên liệu chính là sữa và trà xanh hoặc trà đen. Khi kết hợp với trân châu đen sẽ tạo ra thức uống có hương vị thơm ngon với vị chát và thơm nhẹ của trà quyện trong cái béo ngọt của sữa, trân châu dai mềm càng uống càng ghiền.
Mặc dù bắt nguồn từ Đài Loan, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Nhật Bản, trà sữa mới được các tín đồ ẩm thực Châu Á biết đến. Năm 2014 có thể xem là năm đánh dấu sự bùng nổ của loại thức uống này trên thị trường Việt Nam.
Trà, sữa và những hạt trân châu đã đem lại món đồ uống đặc biệt. Ảnh: Internet
Trà sữa trân châu trong tiếng Anh được gọi bằng nhiều cái tên như pearl milk tea, boba milk tea, boba juice, nhưng phổ biến nhất là bubble tea. Sở dĩ có tên gọi này là khi pha chế trà sữa, người ta cho các nguyên liệu vào một chiếc bình, sau đó lắc mạnh để hương vị được hòa quyện. Hành động này tạo ra bọt “bong bóng” (bubble), nên từ đó khái niệm “bubble tea” ra đời.
Các vị của trà sữa
Từ trà sữa trân châu truyền thống, người ta cho thêm các nguyên liệu khác, cùng các loại topping để sáng tạo thêm nhiều món trà sữa với hương vị thơm ngon và được nhiều người yêu thích như:
- Trà sữa truyền thống
- Trà sữa trái cây
- Trà sữa matcha
- Trà sữa phô mai
- Trà sữa socola
- Trà sữa cà phê
- Trà sữa mật ong
- Trà sữa khoai môn
- Trà sữa hoa đậu biếc
- Trà sữa bạc hà
- …
Cách làm trà sữa trân châu đường đen tại nhà
Nguyên liệu nấu trà sữa
- Trà đen: 120g
- Bột sữa Indo: 700g
- Đường: 500g
- Nước lọc: 2 lít
Nguyên liệu làm trân châu
- Bột năng: 100g
- Bột ca cao: 10g
- Đường cát: 20g
- Nước sôi: 60ml
Dụng cụ pha chế
- Bình pha trà
- Bình lắc
- Ly thủy tinh
- Rây lọc
- Muỗng khuấy
- Bình ủ trà sữa (nếu kinh doanh)
- Nồi
Các bước làm
Nấu trà
Mỗi loại trà sẽ mang đến hương vị trà sữa riêng biệt nên tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn trà ô long, trà sen, trà xanh, trà đen,… để hãm trà đều được.
Đầu tiên, bạn cho trà vào bình thủy tinh. Sau đó, rót nước sôi vào rồi chắt bỏ thật nhanh. Công đoạn này gọi là “rửa trà” nhằm giúp loại bỏ phấn trà và các tạp chất, đồng thời làm cho cánh trà nở đều.
Tiếp đến, bạn châm 2 lít nước nóng (khoảng 80 – 90 độ C) vào bình rồi đậy nắp lại. Ủ trà từ 20 – 30 phút để chiết xuất nước cốt. Sau thời gian ủ, bạn dùng rây lọc bỏ bã trà.
Lọc bỏ bã trà. Ảnh: Internet
Cuối cùng, bạn cho đường vào nước cốt trà, khuấy đều đến khi đường tan hết thì cho bột sữa vào. Lưu ý, để trà sữa thơm ngon và bảo quản được lâu, bạn nên khuấy trà theo một chiều để tránh phá vỡ kết cấu nguyên liệu. Đồng thời, khuấy cho bột sữa tan hoàn toàn, không để bị vón cục.
Cách làm trân châu (nên tự làm)
Bạn trộn đều bột năng, đường, bột ca cao trong một cái thau. Tiếp theo, rưới từ từ nước sôi vào, vừa cho nước vừa khuấy cho bột ngấm nước và dẻo. Trộn đều rồi để yên khoảng 10 phút để bột hạ nhiệt và nở đều.
Sau đó, bạn lấy bột ra và bắt đầu nhào. Nhào đến khi khối bột dẻo, không dính tay thì cho bột vào thau, đậy nắp và ủ thêm 15 phút nữa.
Bột sau khi ủ bạn lấy ra, vo thành sợi dài rồi dùng dao cắt thành những viên nhỏ vừa ăn. Để trân châu không bị dính vào nhau, bạn nhớ áo qua một lớp bột năng mỏng.
Vo bột thành những viên trân châu tròn đều. Ảnh: Internet
Công đoạn tiếp theo là luộc trân châu. Bạn đun sôi khoảng 2 lít nước rồi cho vài muỗng đường vào để giữ màu. Tiếp đến, cho trân châu vào luộc từ 25 – 30 phút với lửa nhỏ, thường xuyên khuấy đều đểu trân châu không bị dính dưới đáy nồi.
Khi trân châu chín và nổi hết lên trên thì tắt bếp. Đậy nắp và ủ trân châu khoảng 20 phút để trân châu nở đều. Sau đó, vớt trân châu ra xả dưới vòi nước lạnh rồi cho vào tô, thêm nước đường vào để tạo vị ngọt và trân châu không dính vào nhau.
Luộc chín trân châu. Ảnh: Internet
Thành phẩm + thưởng thức
Lấy 100ml trà sữa đã pha vào bình lắc, thêm đá viên vào rồi đậy nắp và lắc đều. Cho trà sữa ra ly, thêm trân châu đen vào là có thể thưởng thức.
Thêm trân châu vào và thưởng thức
Với cách làm như trên bạn đã có ngay một ly trà sữa trân châu với vị thanh mát của trà, béo của sữa, ăn kèm trân châu dẻo thơm, dai ngon vừa hấp dẫn, thơm mát lại cực kỳ an toàn.
Lưu ý khi làm
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ làm trà sữa. Hạn chế dùng dụng cụ bằng kim loại để tránh trà tác dụng với kim loại sinh ra chất độc.
- Dùng nước sôi từ 80 – 100 độ C để nhào bột làm trân châu.
- Tùy theo khẩu vị mà bạn gia giảm lượng đường pha trà sữa cho phù hợp.
- Cũng vậy, nếu thích trà sữa đậm vị trà bạn cho nhiều trà hơn.
- Dùng bình lắc khi pha trà sữa sẽ giúp hương vị hòa quyện tốt hơn.
Trà sữa trân châu bảo quản được bao lâu?
- Trà sữa là thức uống để càng lâu càng ngon. Do đó sau khi pha, bạn nên để trà sữa qua một ngày cho các nguyên liệu hòa quyện rồi mới thưởng thức sẽ hấp dẫn hơn.
- Nếu pha chế đúng cách, trà sữa trân châu có thể sử dụng trong 1 tuần khi bảo quản ở nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh.
Cách bảo quản trà sữa và trân châu
- Trân châu thường bị chai cứng khi cho vào tủ lạnh và để qua đêm. Do đó, nếu muốn trân châu bảo quản trong 1 ngày đêm, sau khi luộc bạn nhớ xả trân châu với nước lạnh rồi cho vào hộp, thêm đường cát hoặc nước đường sao cho đường phủ đều từng hạt trân châu. Đậy kín nắp hộp và đặt ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Ngâm trân châu trong nước đường để bảo quản được lâu. Ảnh: Internet
- Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nồi ủ trân châu sẽ giữ cho trân châu dẻo mềm cả ngày.
- Đối với trà sữa, bạn có thể bảo quản bằng cách cho trà sữa vào bình thủy tinh, đậy kín nắp và đặt trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 4 – 6 độ C. Lưu ý, trước khi cho trà sữa vào tủ lạnh, bạn cần đậy kín nắp bình để tránh lẫn mùi từ những thực phẩm khác. Cũng không nên đựng trà sữa trong dụng cụ bằng kim loại để không làm ảnh hưởng đến hương vị.
Uống trà sữa có béo không?
- 1 ly trà sữa bao nhiêu calo là thắc mắc của nhiều người. Trung bình một ly trà sữa chứa khoảng 450 calories, tương đương 30 phút chạy bộ. Vì vậy, nếu uống nhiều trà sữa sẽ khiến bạn dễ tăng cân.
- Nhưng nếu không thể từ chối hương vị thơm ngon của thức uống này, bạn có thể chọn các loại trà sữa ít béo, ít đường. Tuy nhiên, không uống nhiều hơn 4 ly trà sữa trong 1 tuần và nhớ kết hợp với chế độ ăn nhiều rau xanh, luyện tập thể dục thể thao để giữ được vóc dáng cân đối.
Uống trà sữa điều độ để không ảnh hưởng đến vóc dáng. Ảnh: Internet
- Có thể bạn chưa biết, trà sữa là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Caffeine trong trà giúp tỉnh táo, tập trung để làm việc và học tập hiệu quả. Ngoài ra, trà chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nếp nhăn, tốt cho da, tăng cường chức năng hệ miễn dịch. Các nguyên liệu khác cung cấp protein, calcium, vitamin D,… cho cơ thể.
Cách làm giảm vị đắng khi pha trà sữa
- Bí quyết để làm giảm vị đắng của trà sữa là khi hãm trà, bạn nên dùng nước nóng 80 – 90 độ C, không sử dụng nước sôi 100 độ C vì sẽ làm trà bị chát, đắng.
- Cho thêm một chút mật ong vào trà cũng giúp trà dễ uống hơn mà vẫn giữ nguyên hương vị.
- Ngoài ra, bạn có thể dùng baking soda cũng có tác dụng tương tự. Nhưng chỉ cho một ít nếu không muốn làm mất vị trà.
Như vậy, bạn đã biết cách làm trà sữa trân châu thơm ngon, chuẩn vị chỉ với 3 bước. Cùng lưu lại công thức và thực hiện để thưởng thức trong những ngày hè nắng nóng bạn nhé!
Nếu muốn kinh doanh thành công, tạo được dấu ấn trên thị trường với các loại trà sữa được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay, hãy đăng ký ngay khóa học pha chế trà sữa tại Disney Cooking bằng cách để lại thông tin vào form bên dưới, hoặc gọi đến tổng đài miễn phí 1800 6148để rinh về những bí quyết pha chế độc quyền.